Kinh nghiệm chạy thử xe trước khi mua
Chạy thử xe: làm thế nào để biết xe còn ngon?
Chạy thử xe là khâu quan trọng nhất khi mua bất kỳ chiếc xe máy cũ nào, nhưng 99% đều chưa làm đúng cách.
Danh sách kiểm tra này sẽ cho bạn tổng quan về những gì bạn cần lưu ý khi kiểm tra một chiếc xe đã qua sử dụng. Tuy nhiên, bạn nên đi cùng một người có kiến thức tốt về xe máy và kỹ thuật, nếu bạn thể không tự mình kiểm tra.
Đặc biệt: nếu bạn đang mua một chiếc xe đắt tiền từ trên 20 triệu, bạn lại càng nên đi cùng với một chuyên gia.
1. Xe khởi động (đề máy) có nhạy không?
Một chiếc xe có vấn đề khi khởi động có thể thay ắc quy hoặc máy phát điện mới.
Nếu xe đề 2-3 lần mà khó nổ máy, bạn nên bỏ qua, đi xem xe khác.
Người bán đã làm nóng xe từ trước chưa? Nếu có, tại sao họ lại làm vậy?
Đảm bảo rằng động cơ khởi động OK từ lúc máy còn nguội.
Ngoài ra, hãy thử tắt máy và khởi động lại sau khi chạy một lúc để đảm bảo xe sẽ khởi động khi còn ấm
2. Lưu ý kiểm tra đồng hồ đo nhiệt độ
Rất quan trọng đối với xe đắt tiền như SH Ý nhập khẩu.
Nóng máy rất dễ làm cho tuổi thọ động cơ suy giảm và là vấn đề rất nghiêm trọng làm cho xe phải rã máy đại tu.
Hãy nổ máy tầm 10 phút, chạy thử xe 10-20 phút để xem đồng hồ báo nhiệt có tăng quá nhanh hay không? Nếu có, đừng mua.
3. Kiểm tra ly hợp (bộ côn, nồi)
Thử tăng tốc để kiểm tra xem có bị rung đầu hay không? Có tăng tốc mượt mà không?
Thay thế ly hợp chính hãng có thể tốn kém 3-8 triệu đồng. Vì vậy rất đáng để bạn dành thời gian test kỹ.
4. Kiểm tra hộp số (tiền sửa đắt hơn tiền mua xe)
Có dễ dàng vô số (tăng số), trả số (giảm số) hay không? Nếu thấy dấu hiệu lọc cọc, giật cục khi vào số, bạn nên bỏ qua xe này.
Kiểm tra hộp số rất quan trọng với xe côn tay như TFX, FZ150, Exciter, Satria, Winner, Raider, R15, vì nó sẽ ảnh hưởng nhiều tới an toàn của bạn và giá trị của xe.
Nếu là xe ga, hãy đảm bảo xe tăng tốc trơn tru.
5. Kiểm tra tay lái (rủi ro tai nạn)
Xe có đi thẳng hay bị xỉa lái? có dấu hiệu đi 2 hàng không?
Nếu bạn bỏ tay ra khỏi tay lái, xe có bị lệch sang một bên hay chạy thẳng? (Tốt nhất nên kiểm tra ở đường bằng phẳng).
6. Kiểm tra Phuộc nhún
Rõ ràng là một số xe sẽ có hệ thống phuộc chắc chắn hơn những chiếc khác, nhưng hãy chạy xe trên những con đường gập ghềnh và lắng nghe tiếng lọc cọc ở cổ xe, độ êm ái của phuộc. Đồng thời cảm nhận bất kỳ tiếng xóc bất thường nào truyền lên yên xe.
7. Lắng nghe tiếng động cơ
Nghe tiếng máy nổ cũng giống như bác sĩ đeo ống nghe để khám bệnh. Cho dù chiếc xe có ngụy trang khéo léo, thì chủ xe cũng khó lòng che giấu được “bệnh” qua tiếng máy nổ.
Một chiêu trò của dân bán xe cũ là để bạn test xe ở chỗ ồn ào hoặc đánh lạc hướng lúc bạn đang nghe tiếng máy nổ. => Hãy tìm chỗ yên tĩnh và lắng nghe động cơ nhé.
Xe có chạy êm không, hay có âm thanh lào xào, lóc cóc?
Nếu chưa biết cách xe tiếng máy, tốt nhất là đi cùng 1 chuyên gia xe cũ.
8. Cảm nhận: xe có êm ái hoặc vọt như bạn mong đợi không?
Trải nghiệm thực tế có đúng như bạn mong đợi không? Nếu xe quá chậm, quá ì, quá rung lắc, có thể đó là 1 chiếc xe bệnh. Hãy tin vào trực giác của bạn.
Quy tắc: Nếu thấy gì đó không ổn, hãy chia tay người bán ngay.
9. Kiểm tra phanh thắng (vì sự an toàn của gia đình)
Hãy thử đạp phanh thật sâu (chỉ thử khi đường vắng nếu không muốn bị xe sau ủi đít).
Xe có dừng lại một cách gọn gàng, trên một đường thẳng mà không kéo lệch sang một bên không?
Có bất kỳ tiếng động bất thường nào không? Nếu thắng mòn, hãy thương lượng với người bán để giảm giá.
10. Bạn có thích chạy xe này hằng ngày không?
Chạy thử xe là dịp để tìm ra các lỗi trên một chiếc xe cũ, nhưng cũng để đảm bảo rằng bạn đang mua chiếc xe phù hợp với mình.
Tư thế ngồi lái xe có thoải mái không? Bạn có phấn khích và vui vẻ khi lái nó đi chơi, đi làm mỗi ngày không?
Ngay cả khi đã qua sử dụng, một chiếc xe máy cũng là một khoản đầu tư lớn, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn hoàn toàn ưng ý với lựa chọn của mình.